Hội thảo triển khai chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”
04:37 PM 02/12/2016 Lượt xem: 2196 In bài viếtNgày 02/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”, mã số CTDT/16-20. TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện các Ban, bộ, ngành Trung ương; thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình; đại diện Ban Chủ nhiệm các Chương trình khoa học cấp quốc gia; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng nêu rõ: Mục tiêu của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” nhằm cung cấp luận cứ khoa học để giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các DTTS, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Nội dung Chương trình tập trung vào 5 vấn đề lớn:
- Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam từ đổi mới (1986) đến nay, để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến DTTS và chính sách dân tộc, đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển bền vững.
- Đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc từ đổi mới (1986) đến nay.
- Nghiên cứu xây dựng các khung chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng DTTS đến năm 2030.
- Nghiên cứu đề xuất quan điểm, giải pháp phát triển bền vững vùng DTTS và thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các DTTS và chính sách dân tộc phục vụ công tác hoạch định và thực hiện hiệu quả, lâu dài chính sách dân tộc.
Toàn cảnh Hội thảo
Để chương trình được triển khai thực hiện đúng với mục tiêu, nội dung và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật có liên quan, Hội thảo đã tập trung thảo luận, góp ý vào một số nội dung: Danh mục nhiệm vụ trong Khung chương trình đã được phê duyệt (các nhiệm vụ của Chương trình đã phù hợp, bám sát vào mục tiêu và nội dung Chương trình chưa); cụ thể hóa các hướng nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đảm bảo hoàn thành mục tiêu Chương trình đặt ra; những khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện như: Quy trình xác định, quản lý nhiệm vụ đến quy định định mức, hướng dẫn xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện và thanh quyết toán kinh phí đối với các đề tài… nhất là với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện.
Bà Cù Việt Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Bộ Khoa học và Công nghệ
TS. Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm kiêm Chánh Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3
Một số ý kiến cũng cho rằng, Chương trình cần chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực đào tạo cho 53 dân tộc thiểu số, có cơ chế, chính sách tránh lãng phí nguồn nhân lực người DTTS đã được đào tạo; nên có thêm một số đề tài về nạn buôn bán phụ nữ trẻ em, lao động bất hợp pháp vượt biên, rừng và không gian sinh tồn… Chương trình cần phân tích, đánh giá toàn bộ hệ thống chính sách dân tộc đã được triển khai thực hiện để chỉ ra những khó khăn, bất cập còn tồn tại và có những điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

TS. Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc
GS. Trần Hậu, Ủy ban Trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam
PGS. TS Duy Bính, Đai học Quốc gia Hà Nội
Đ/c Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành KTKT, Bộ KH&CN
Tổng kết Hội thảo,thay mặt Ban Chỉ đạo chương trình, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng ghi nhận và tiếp thu ý kiến, đề xuất của các đại biểu. Ban Chỉ đạo sẽ bổ xung, hoàn thiện khung chương trình để lựa chọn được các đề tài chuẩn xác, thể hiện được đúng mục đích, nhiệm vụ đã đề ra và giải quyết được những vấn đề cơ bản, cấp bách của thực tiễn.Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng khẳng định: UBDT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Ban Chủ nhiệm các đề tài thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cũng như kinh phí triển khai thực hiện. Thứ trưởng cũng mong muốn, Ban Chủ nhiệm các đề tài sẽ tập trung triển khai các đề tài nghiên cứu tốt, đồng thời tăng cường hơn nữa sự phối hợp với Văn phòng Chương trình CTDT/16-20 để các đề tài đăng ký được triển khai thông suốt và đạt hiệu quả cao.
TS. Nguyễn Đình Kỳ kính tặng Chương trình CTDT/16-20 bộ Atlat tổng hợp vùng Tây Nguyên